Cấp độ nhớt, cấp chất lượng và chủng loại nhớt là 3 thông tin người dùng cần nắm rõ khi lựa chọn thay thế dầu nhớt phù hợp với động cơ.Với mỗi dòng xe, các nhà sản xuất thường đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dùng chọn lựa loại dầu nhớt phù hợp để thay thế. Các thông số này luôn được các hãng dầu ghi rõ trên nhãn sản phẩm, cụ thể là 3 thông số quan trọng nhất gồm: cấp độ nhớt, cấp chất lượng và chủng loại nhớt.
- Cấp độ nhớt là thông số có kích thước lớn nhất trên thân mỗi chai dầu, hiển thị bằng chữ và số như: SAE 0W-40, 5W-30, 10W-30, 20W-50… Trong đó, SAE (Society of Automotive Engineers) là tiêu chuẩn được cấp bởi Hiệp hội Kỹ sư Ô tô. Chữ số đứng trước W (Winter – mùa đông) thể hiện nhiệt độ mà dầu có thể giúp động cơ khởi động tốt. Nhiệt độ này được xác định bằng cách lấy con số đó trừ đi 35. Ví dụ, dầu nhớt 5W-30 giúp động cơ khởi động tốt ở nhiệt độ -30 độ C. Dầu 20W-50 giúp động cơ có thể khởi động ở nhiệt độ -15 độ C.Con số phía sau dấu gạch ngang thể hiện độ nhớt của dầu, số càng lớn đồng nghĩa độ nhớt càng cao hay càng đặc. Độ nhớt của dầu động cơ đốt trong có đặc tính thay đổi theo nhiệt độ, đặc hơn khi ở nhiệt độ phòng và loãng hơn khi ở nhiệt độ cao. Cấp độ nhớt này được xác định ở 100 độ C, mức nhiệt độ trung bình của dầu nhớt bên trong động cơ khi hoạt động. Ví dụ, dầu nhớt 20W-50 sẽ có độ nhớt cao hơn loại 10W-30 hoặc 0W-40.
- Cấp chất lượng là tiêu chuẩn được chứng nhận bởi Viện Dầu khí Mỹ, thể hiện qua thông số API trên mỗi chai dầu, ví dụ như: API SA, SB, SC… cho động cơ xăng và API CA, CB, CC… cho động cơ diesel. Trong đó, chữ cái cuối cùng để phân biệt các cấp, xếp theo bảng chữ cái, càng về cuối bảng chữ cái thì phẩm cấp càng cao. Ví dụ, SA sẽ có cấp chất lượng thấp hơn SB, SB có chất lượng thấp hơn SC hoặc CA có chất lượng thấp hơn CB… Trung bình sau khoảng 4-5 năm, tổ chức này sẽ đưa ra một cấp API mới, theo sự phát triển của thiết kế động cơ ôtô.
Chủng loại nhớt phổ biến hiện nay gồm ba loại, tiến dần theo chất lượng: dầu gốc khoáng (Mineral), dầu công nghệ tổng hợp (Synthetic Technology) hay thường gọi là bán tổng hợp (Semi Synthetic) và dầu tổng hợp toàn phần (Fully Synthetic).
- Dầu gốc khoáng là loại phổ biến nhất nhờ giá rẻ và đáp ứng yêu cầu bôi trơn thông thường, được sản xuất từ dầu thô và trải qua các giai đoạn chưng cất để tạo ra thành phẩm. Điểm yếu của loại này là thường chứa khá nhiều tạp chất, các phần tử bôi trơn không đồng đều, phù hợp với các loại động cơ công suất nhỏ, thương hiệu bình dân.Cao cấp nhất là loại dầu tổng hợp toàn phần, được chưng cất theo các quy trình phản ứng hóa học tại các phòng thí nghiệm. Loại dầu này có ưu điểm bôi trơn tốt nhưng giá thành cao, gấp khoảng 5 lần so với loại dầu gốc khoáng, phù hợp với các loại động cơ cao cấp, hiệu suất cao. Kế đến là dầu công nghệ tổng hợp, kết hợp đặc tính của dầu gốc khoáng và tổng hợp toàn phần. Loai này có chất lượng cao hơn gốc khoáng nhưng thấp hơn tổng hợp toàn phần.
- Tại những buổi tọa đàm về dầu nhớt động cơ các kỹ sư cho biết, sự khác biệt có thể thấy rõ giữa ba loại dầu nhớt trên là số km sử dụng. “Loại gốc khoáng cần thay thế sau mỗi 4.000 – 5.000 km, bán tổng hợp cần thay sau khoảng 7.000 km còn dầu tổng hợp toàn phần có thể đạt mốc 15.000 km sau mỗi lần thay”. Người sử dụng xe sang, các dòng xe đời mới có động cơ phun xăng trực tiếp (tỉ số nén cao) hoặc turbo tăng áp cần chú ý đến phẩm cấp dầu, bởi đây là loại động cơ đòi hỏi chất lượng dầu nhớt đặc biệt hơn so với loại phun xăng gián tiếp (MPI) hoặc nạp khí tự nhiên.
Hiện nay, các hãng dầu nhớt nổi tiếng như Caltex,Castrol,Shell đều đang phân phối cả 3 chủng loại dầu nhớt trên tại Việt Nam. Ở chủng loại cao cấp nhất, hãng này ứng dụng các công nghệ hàng đầu, giúp tối ưu bôi trơn, bảo vệ, chống mài mòn cho động cơ. Điển hình là Công nghệ PurePlus – một giải pháp hoàn toàn mới để sản xuất ra dầu gốc từ khí tự nhiên hóa lỏng, thành phần chính của dầu động cơ, chất lượng khác biệt lớn với loại chiết tách dầu gốc từ dầu mỏ (dầu thô).
Bình luận